Nám da là nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em phụ nữ khi bước sang độ tuổi 25. Mặc dù các vết nám không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên nó lại gây mất thẩm mỹ, khiến làn da trở nên kém sắc và già nua. Đặc biệt chúng không thể bị loại bỏ bởi các phương pháp điều trị thông thường mà phải áp dụng tới các công nghệ cao. Dưới đây là một số thông tin về cách trị nám bằng laser, bạn nên tham khảo để có được những kiến thức hữu ích.
Trị nám bằng laser là gì?
Trị nám bằng laser là một phương pháp điều trị công nghệ cao được rất nhiều bệnh viện da liễu, spa và các thẩm mỹ viện áp dụng. Phương pháp này sử dụng một thiết bị cầm tay tạo ra tia laser để chiếu vào da nhằm tiêu diệt các vết nám, tàn nhang, giúp tái tạo làn da mới sáng mịn khỏe mạnh hơn.
Quy trình điều trị nám bằng laser được thực hiện vô cùng chuyên nghiệp. Các tia laser được chiếu lên da có bước sóng và nhiệt độ phù hợp với tình trạng da liễu của người bệnh. Từ đó giúp tiêu diệt các sắc tố melanin dư thừa tại da và xóa bỏ nám một cách hiệu quả.
Ngoài công dụng trị nám, phương pháp bắn tia laser còn thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, giúp da thêm mềm mại mịn màng hơn. Sau 3-6 tháng điều trị, làn da của bạn sẽ có sự thay đổi rõ rệt.
Trị nám bằng phương pháp laser có hiệu quả lâu dài không?
Trị nám bằng laser là một phương pháp hiện đại, an toàn và hiệu quả. Tia laser sẽ tác động trực tiếp vào các hắc tố melanin, giúp loại bỏ nám một cách mạnh mẽ. Đồng thời phương pháp này cũng giúp ngăn ngừa nám tái phát trở lại.
Theo các nghiên cứu lâm sàng, chỉ có khoảng 5 – 7% trường hợp sau khi điều trị nám bằng laser bị tái phát trở lại. Con số này khá thấp so với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, việc nám có quay trở lại hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm: Cách chăm sóc da, tần suất tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nội tiết tố trong cơ thể…
Ngoài công dụng trị nám, tia laser còn giúp giải quyết một số vấn đề khác trên da như:
- Giúp làm sạch da, loại bỏ cặn bã, bụi bẩn và tế bào chết, giúp da trở nên thông thoáng hơn.
- Thu nhỏ lỗ chân lông và kiểm soát sự hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm việc tiết dầu trên da.
- Cải thiện các nếp nhăn trên da, đặc biệt ở vùng quanh mắt, trán và miệng.
- Cải thiện tình trạng da sạm màu, loại bỏ đốm nâu, giúp da tươi trẻ hồng hào.
Với những lợi ích mà phương pháp này mang đến cho làn da, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi lựa chọn điều trị nám bằng công nghệ laser.
Các công nghệ laser trong điều trị nám hiện nay
Một số công nghệ trị nám bằng laser được dùng phổ biến hiện nay bao gồm:
Công nghệ Laser Yag
Công nghệ Laser Yag sử dụng bước sóng 532nm và 1064nm nhằm tác động sâu đến chân nám, loại bỏ các nám từ sâu bên trong mà không gây tổn thương da. Thời gian mỗi lần điều trị kéo dài khoảng 30 – 45 phút tùy thuộc vào mức độ nám của người bệnh. Chi phí điều trị nám bằng Laser Yag sẽ dao động từ 5 – 12 triệu.
Công nghệ Yellow Laser
Yellow Laser giúp loại bỏ tận gốc các hắc tố melanin gây nám, đồng thời loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và làm sạch lỗ chân lông. Từ đó giúp làn da được thông thoáng và sáng mịn hơn. Thời gian cho một lần điều trị nám bằng Yellow Laser chỉ diễn ra trong vòng 5 phút. Chi phí chữa trị sẽ dao động từ 1 – 3 triệu đồng.
Công nghệ New E-light
Công nghệ New E-light có ưu điểm là không sử dụng tác động cơ học, không gây tổn thương da nên rất an toàn. Đồng thời năng lượng của tia laser sẽ tập trung vào các tế bào hắc tố, giúp nám không bị tái phát trở lại. Chi phí cho một lần trị nám bằng New E-light là khoảng 1,5 – 3 triệu đồng. Tùy thuộc vào tình trạng nám da cụ thể mà liệu trình điều trị của bạn sẽ dao động từ 4 – 6 buổi.
Công nghệ Laser Toning
Trị nám bằng Laser Toning là phương pháp điều trị thế hệ mới, có khả năng phá hủy mạnh các hắc tố gây nám da. Đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo làn da mới mà không để lại thâm sẹo. Chi phí cho một lần điều trị là khoảng 2 – 3 triệu. Trung bình mỗi người sẽ mất khoảng 6 – 8 buổi điều trị như vậy, tùy theo tình trạng nám của da.
Quy trình cơ bản khi trị nám bằng laser
Phương pháp trị nám bằng tia laser sẽ bao gồm 6 bước cơ bản như sau:
- Bước 1: Bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra tình trạng nám trên da, hỏi về một số vấn đề liên quan để có thể tư vấn liệu trình điều trị phù hợp.
- Bước 2: Bác sĩ tiến hành vệ sinh da và bôi thuốc gây tê lên vùng da cần điều trị.
- Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ cần thiết như kính bảo hộ, máy chiếu tia laser,…
- Bước 4: Lau sạch thuốc gây tê, sát khuẩn da trước khi điều trị.
- Bước 5: Chiếu tia laser lên vùng da bị nám.
- Bước 6: Bôi thuốc hoặc chườm lạnh để giảm đau và hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc da tại nhà.
Trị nám bằng phương pháp laser có an toàn cho da không?
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, điều trị nám bằng tia laser mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên năng lượng phát ra từ tia laser cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng phụ không mong muốn khi áp dụng phương pháp làm đẹp này:
- Đau rát: Khi điều trị nám bằng tia laser, bạn sẽ có cảm giác bị nóng da và đau rát. Tuy nhiên tình trạng này chỉ kéo dài trong một vài tiếng sau khi kết thúc điều trị.
- Đỏ da: Đỏ da là một trạng thái bình thường của những người điều trị nám bằng laser. Hiện tượng này chỉ diễn ra trong vài giờ hoặc vài ngày và tự khỏi nên bạn không cần quá lo lắng.
- Bỏng da: Nếu bác sĩ lựa chọn năng lượng tia laser không phù hợp với làn da sẽ khiến da dễ bị bỏng. Một vài trường hợp bị bỏng nặng có thể để lại sẹo trên da.
- Rối loạn sắc tố: Nhiều trường hợp sau khi tác động da bằng tia laser sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn sắc tố. Bạn sẽ bị tăng/giảm hoặc thậm chí là mất sắc tố da vĩnh viễn.
Để hạn chế các tác dụng phụ sau khi trị nám bằng laser, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên cần tiến hành điện di lạnh và đắp mặt nạ hồi phục cho người bệnh ngay sau khi vừa thực hiện thủ thuật.
Những ai không nên trị nám bằng laser?
Điều trị nám bằng laser không nên áp dụng đối với một số trường hợp sau đây:
- Phụ nữ đang ở giai đoạn thai kỳ hoặc những người đang cho con bú.
- Người bị mẫn cảm với ánh sáng bước sóng hồng ngoại.
- Những người đang sử dụng một số loại thuốc Tây, khiến cho làn da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời hoặc tia UV.
- Đối tượng mắc bệnh tự miễn (rối loạn miễn dịch), chẳng hạn như: Bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, xơ cứng bì,…
- Người đang mắc các căn bệnh da liễu như viêm da, vảy nến, chàm,…
Chăm sóc làn da tại nhà sau khi chữa nám bằng laser
Sau khi trị nám bằng laser, làn da sẽ trở nên yếu và nhạy cảm hơn. Vì vậy bạn cần bảo vệ da bằng các biện pháp sau đây:
Chống nắng mỗi ngày
Chống nắng là một bước chăm sóc da rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người bị nám. Vì vậy bạn nên sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài 20 phút để da có thời gian hấp thụ sản phẩm. Nên ưu tiên dùng loại có chỉ số SPF > 30 và PA++++ để bảo vệ da tối ưu.
Đối với những người phải làm việc ngoài trời hoặc làm công việc văn phòng, thường xuyên tiếp xúc với máy tính, bạn nên bôi kem chống nắng sau khoảng 3-4 giờ để bảo vệ da khỏi tia UV và ánh sáng xanh.
Ngoài kem chống nắng bạn cũng cần mang theo khẩu trang, mũ rộng vành, áo chống nắng và kính râm mỗi khi ra ngoài để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
Dưỡng ẩm da
Tác động từ tia laser có thể khiến hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng, làm cho da trở nên khô ráp và dễ mất nước. Vì vậy dưỡng ẩm da là một bước quan trọng giúp da nhanh chóng hồi phục và không bị bong tróc.
Làm sạch da nhẹ nhàng
Sau vài ngày điều trị nám bằng tia laser, bạn nên rửa mặt với nước muối loãng hoặc sữa rửa mặt chuyên dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn đang dùng các sản phẩm làm sạch da có chứa benzoyl peroxide, AHA/BHA thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng cho làn da.
Ngoài ra, trong thời gian chờ làn da phục hồi bạn không nên tẩy tế bào chết vì sẽ khiến làn da bị kích ứng và tổn thương.
Làm mát da
Để giảm cảm giác nóng rát, mẩn đỏ sau khi tiếp xúc với tia laser, bạn có thể áp dụng các phương pháp như đắp mặt nạ hay chườm đá nhẹ nhàng để làm giảm cảm giác khó chịu.
Ăn uống và sinh hoạt hợp lý
Sau khi điều trị nám bằng tia laser, bạn nên chú ý ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa cho làn da. Đồng thời nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá để giúp làn da luôn khỏe mạnh. Những thói quen như ngủ sớm, ngủ đủ giấc cũng sẽ duy trì làn da khỏe mạnh.
Trên đây là những thông tin về phương pháp điều trị nám bằng laser. Đây là một kỹ thuật làm đẹp da chuyên nghiệp, hiện đại, mang đến hiệu quả cao và lâu dài. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên lựa chọn địa chỉ điều trị nám uy tín, bác sĩ thực hiện có trình độ tay nghề cao, tránh ham rẻ mà tìm đến những địa chỉ không có giấy phép hoạt động.
Bài đọc thêm:
- 7 Phương Pháp Điều Trị Nám Da Mặt Tốt Nhất Hiện Nay
- 10 Cách Điều Trị Nám Tại Nhà Không Phải Ai Cũng Biết