Bên cạnh việc lựa chọn các sản phẩm điều trị mụn phù hợp với loại da, các nàng cũng cần chú ý tới các hoạt chất trị mụn có trong sản phẩm. Điều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ kích ứng cũng như giúp chúng phát huy hiệu quả tốt trong quá trình điều trị mụn và chăm sóc da. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn top 10 hoạt chất có khả năng trị mụn hiệu quả, chuyên biệt nhất.
Hoạt chất trị mụn là gì?
Mụn được xem là bệnh da liễu được hình thành do sự tăng tiết chất bã, viêm nhiễm tại hệ thống nang lông tuyến bã. Tình trạng này được biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn cám, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, mụn nang, mụn ẩn, mụn trứng cá,… khu trú ở nhiều vị trí tiết nhiều chất bã nhờn như mặt, lưng và ngực.
Mụn tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều tới tính thẩm mỹ. Vậy nên, nhiều người thường tìm tới các hoạt chất trị mụn để loại bỏ chúng. Vậy hoạt chất trị mụn là gì?
Hoạt chất điều trị mụn là những chất hỗn hợp hoạt động theo cơ chế tiêu diệt vi khuẩn gây mụn sâu trong lỗ chân lông. Bên cạnh đó, chúng cũng có khả năng tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, loại bỏ dầu thừa trên da và trả lại cho các nàng làn da thông thoáng, sạch mụn.
10 hoạt chất trị mụn hiệu quả nhất
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều hoạt chất được nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu điều trị và ngăn ngừa nguy cơ hình thành mụn. Dưới đây là danh sách top 10 hoạt chất trị mụn hiệu quả, phổ biến nhất mà các nàng có thể tham khảo sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.
Retinol
Retinol thuộc nhóm Retinoid và là một dẫn xuất của Vitamin A. Hoạt chất hoạt động như một thành phần liên kết tế bào, trung hòa các gốc tự do phía trong da. Retinol sẽ tác động tới các tế bào, thẩm thấu vào da và kích thích quá trình sản sinh collagen, tái tạo tế bào mới.
Bên cạnh đó, hoạt chất này còn hỗ trợ trị mụn, kháng khuẩn và giúp trẻ hóa làn da. Đồng thời cải thiện các vấn đề mà da đang gặp phải để mang tới làn da hoàn hảo không tì vết. Tuy nhiên, do là hoạt chất có tác động mạnh nên khi mới sử dụng, bạn chỉ nên duy trì với tần suất 1 – 2 lần/tuần. Nồng độ thích hợp để dùng là từ 0.025 – 0.03% với da nhạy cảm, da thường, da hỗn hợp có thể chọn Retinol nồng độ 0.03%. Da khỏe hơn có thể dùng Retinol ở nồng độ 5%.
Tretinoin
Tương tự như Retinol, Tretinoin cũng là một dẫn xuất của Vitamin A và thuộc nhóm retinoids. Hoạt chất này có khả năng loại bỏ mụn trứng cá, phục hồi tổn thương da do tia UV cũng như góp phần giải quyết tình trạng da bị lão hóa rất hiệu quả.
Tretinoin hoạt động bằng cách thúc đẩy nhanh chu kỳ sống của da, giúp các tế bào da phân chia, kích thích sản sinh collagen, elastin. Từ đó giúp sản sinh những tế bào mời khỏe mạnh, để da tươi mịn, trắng sáng hơn.
Tretinoin có hoạt tính mạnh nên rất thích hợp để trị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ tới trung bình. Hoạt chất trị mụn này sẽ thúc đẩy tế bào mới tái tạo, thay thế cho tế bào mụn cũ. Đồng thời ngăn ngừa mụn mới, hạn chế để mụn có cơ hội lan rộng hoặc trở nặng.
Thông thường, Tretinoin sẽ được kết hợp cùng các thành phần khác để tăng hiệu quả trị mụn, giảm viêm và giúp nuôi dưỡng da tốt hơn. Hiệu quả cải thiện làn da sẽ nhìn thấy sau 2 – 3 tuần điều trị. Tuy nhiên, để giúp loại bỏ mụn hoàn toàn, bạn nên dùng Tretinoin ít nhất 3 – 6 tháng. Sau đó dùng Tretinoin ở liều duy trì và xen kẽ cùng các hoạt chất chăm sóc da khác theo chỉ định của bác sĩ.
Hoạt chất Sulfur (Lưu huỳnh) trị mụn
Lưu huỳnh là một nguyên tố tự nhiên có sẵn trong tự nhiên, chúng có thể được tìm thấy ở dạng đơn chất hoặc trong các khoáng chất như sulfur hay sulfate với màu vàng chanh. Theo một số tài liệu xưa, lưu huỳnh đã được sử dụng để điều trị các vấn đề ngoài da như viêm da, rosacea, gàu, mụn cóc,…
Ngày nay, lưu huỳnh được ứng dụng nhiều trong các công thức điều chế sản phẩm chăm sóc da. Dựa trên các thực nghiệm, bằng chứng khoa học, lưu huỳnh được chứng minh có ích trong nhiều phác đồ điều trị cũng như phương pháp trị mụn trứng cá.
Sulfur hoạt động tương tự như Axit salicylic hay Benzoyl Peroxide nhưng cho hiệu quả tác động nhẹ nhàng hơn. Sulfur khi apply lên da sẽ làm giảm quá trình sản xuất dầu thừa, làm dịu các vết mụn đỏ. Hoạt chất này cũng là một keratolytic có khả năng làm khô lớp tế bào da trên cùng, giúp lớp biểu bì khô lại, bong tróc nhằm loại bỏ mụn, nhân mụn hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Sulfur cũng giúp kháng viêm, chống lại vi khuẩn, loại bỏ vi khuẩn gây mụn sâu bên trong lỗ chân lông, ngăn mụn tái phát. Do đó, Sulfur thích hợp để điều trị mụn bọc, mụn mủ, mụn viêm tốt hơn BHA và AHA.
Nồng độ lưu huỳnh sẽ được điều chế ở nhiều mức độ khác nhau để phù hợp với tình trạng mụn ở mỗi người. Sau khi làm sạch da, các bạn có thể dùng các sản phẩm có chứa lưu huỳnh ở mức 2%, 5% để thoa lên vùng da bị mụn vào mỗi sáng và tối hàng ngày cho tới khi hết mụn. Những sản phẩm có nồng độ lưu huỳnh trên 5%, bạn nên hỏi ý kiến hoặc dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hoạt chất trị mụn Axit azelaic
Axit azelaic là một loại dicarboxylic acid bão hòa có trong lúa mạch, lúa mì. Ở các nước Liên minh châu Âu, hoạt chất này là một thành phần mỹ phẩm có thể thoải mái dùng và không hạn chế về nồng độ. Ở Mỹ, nồng độ Axit azelaic có trong các sản phẩm dược – mỹ phẩm không quá 15 – 20%. Tuy nhiên, khi qua Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Axit azelaic bị cấm trong sản xuất mỹ phẩm nhưng có thể sản xuất dược mỹ phẩm.
Đây là hoạt chất trị mụn trứng cá viêm – không viêm, làm giảm thâm nám, đốm nâu, đỏ da,… Axit azelaic có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn và bình thường quá trình sừng hóa trên da. Chúng hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, tránh nguy cơ gây nhiễm trùng lỗ chân lông.
Trước khi dùng Axit azelaic, các nàng cần tẩy trang, vệ sinh da sạch sẽ. Mỗi lần chỉ dùng 1 đốt ngón tay Axit azelaic cho toàn mặt, dùng trước bước bôi kem dưỡng da. Song nếu làn da quá nhạy cảm, bạn có thể dùng Axit azelaic sau khi thoa kem dưỡng.
Axit azelaic ở dạng gel, khi dùng vào buổi sáng nên thoa kem dưỡng ẩm trước rồi mới dùng kem chống nắng. Điều này sẽ hạn chế tình trạng da khô, làm vón kem chống nắng. Khi mới dùng hoạt chất, tốt nhất nên sử dụng thử Axit azelaic ở vùng quai hàm, dùng xen kẽ 2 – 3 lần/tuần để xem phản ứng của da. Nếu không thấy phản ứng bất thường nào khác, bạn mới nên dùng cho toàn khuôn mặt và tăng tần suất sử dụng lên.
Trên thực tế, Axit azelaic sẽ cho hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị mụn viêm sau khoảng 4 tuần sử dụng. Hiệu quả điều trị rối loạn sắc tố sẽ phát huy công dụng tốt nếu chăm chỉ sử dụng đều đặn trong khoảng 6 tháng.
Benzoyl peroxide
Benzoyl peroxide được dùng nhiều trong các sản phẩm trị mụn sưng viêm, mụn bọc. Hoạt chất hoạt động theo cơ chế phá vỡ thành axit benzoic và oxy. Trong đó, axit benzoic đóng vai trò như một chất tẩy tế bào chết, giúp làm sạch da sâu bên trong lỗ chân lông. Còn oxy lại có nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn P.acnes.
Ở mỗi sản phẩm, nồng độ Benzoyl peroxide sẽ khác nhau, tuy nhiên bạn nên bắt đầu ở nồng độ thấp. Sau đó mới từ từ nâng nồng độ lên để hạn chế nguy cơ bị kích ứng, khô da. Được biết, Benzoyl peroxide thường có trong các sản phẩm dạng gel, cream và là thành phần hoạt chất chủ yếu trong các sản phẩm thuốc trị mụn tự do hoặc theo đơn kê toa.
Tinh dầu tràm trà (Tea tree oil)
Tinh dầu tràm trà là chất lỏng không màu hoặc có màu vàng nhạt, được chiết xuất từ lá cây trà với mùi hương dễ chịu, mang tới cảm giác thư giãn khi dùng. Tinh dầu tràm trà có thành phần hóa học gồm 28 – 30 hợp chất khác nhau. Tuy nhiên chủ yếu là 3 thành phần sau Cineol 1.8 – 2.4%, Terpinen-4-ol 46.6%, Terpinene 10 – 25% và Terpinene chiếm 18.6 – 23.65%.
Trước đây, tinh dầu tràm trà thường được người dùng thổ dân ở Úc dùng như một chất khử trùng hoặc làm thuốc thảo dược. Tuy nhiên, hiện nay, loại tình dầu này còn được khuyến khích sử dụng ngoài da để trị mụn trứng cá, nấm da chân, nấm móng tay, chấy, vết cắn, nhiễm trùng ve ở đáy mí mắt, côn trùng cắn,…
Sở dĩ tinh dầu tràm trà có công dụng như trên là do chúng có khả năng giết chết các loại vi khuẩn gây mụn, gây nấm, làm làm giảm phản ứng dị ứng da. Chính vì thế, tinh chất này được ứng dụng khá phổ biến trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp và các sản phẩm trị mụn.
Khi dùng để trị mụn, Tea tree oil 5% sẽ có tác dụng tương tự như Benzoyl Peroxide 5%. Tuy nhiên, Tea tree oil hoạt động chậm hơn nhưng ít gây kích ứng cho da mặt hơn Benzoyl Peroxide. Khi dùng Tea tree oil 5% đều đặn 2 lần trong 45 ngày, tinh chất sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.
Hoạt chất hỗ trợ trị mụn Bakuchiol
Bakuchiol là phiên bản xanh của Retinol – thành phần có trong – lá cây Babchi hay còn gọi là Bakuchi. Loại thực vật được tìm thấy ở vùng Himalaya và được người Ấn Độ, Trung Quốc dùng để điều trị các vấn đề về làn da lão hóa, nhiều vết thâm cũng như hỗ trợ điều trị mụn trứng cá,…
Bakuchiol tuy có cấu trúc khác nhưng chức năng lại tương tự như Retinol. Thêm vào đó, hoạt chất này còn có thể sử dụng cho mọi loại da mà không lo ngại nguy cơ bị kích ứng như Retinol.
Theo nghiên cứu, thành phần Psoralea Corylifolia có trong cây Bakuchi có khả năng làm giảm đáng kể tình trạng viêm, mụn trên da sau khoảng 6 – 8 tuần sử dụng. Bên cạnh đó, Bakuchiol cũng hỗ trợ ngăn ngừa mụn tái phát rất hiệu quả, nhất là khi được kết hợp cùng retinol.
Axit salicylic (BHA)
Axit salicylic thuộc nhóm Beta Hydroxy acid (BHA) là một loại acid vô cơ gốc dầu. Hoạt chất có khả năng đi qua lớp dầu tự nhiên trên bề mặt da, đi sâu vào lỗ chân lông nhằm giúp loại bỏ tế bào chết, bã nhờn, bụi bẩn sâu bên trong lỗ chân lông. Từ đó giúp cải thiện mụn ẩn, các sợi bã nhờn và mụn trứng cá hiệu quả.
Ngoài ứng dụng trong ngành mỹ phẩm, Axit salicylic còn là thành phần của thuốc kháng viêm không chứa steroid, dùng để điều trị các bệnh về da như vảy nến, mụn, viêm da tiết bã.
Khi tiếp xúc với da, Axit salicylic có khả năng thẩm thấu vào tầng trung bì, hạ bì để da trung hòa các chất kết dính tế bào. Từ đó phá vỡ các liên kết cũng như thúc đẩy quá trình loại bỏ tế bào chết, kích thích tế bào mời, giúp lỗ chân lông thông thoáng, mang lại làn da mịn màng, trắng sáng hơn.
Ngoài ra, Axit salicylic còn giúp làm mềm lớp keratin, nâng cao khả năng dưỡng ẩm, giúp da mềm mịn, khỏe khoắn. Đồng thời trực tiếp hòa tan các nút sừng, điều hòa tế bào da nên rất lý tưởng để điều trị, loại bỏ mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
Axit alpha hydroxy (AHA)
AHA là một nhóm các loại axit có nguồn gốc từ tự nhiên, điển hình nhất là Glycolic Acid (từ cây mía), Citric Acid (từ trái cam hoặc chanh), Lactic Acid (từ sữa), Malic Acid (từ trái táo) và Tartaric Acid (từ trái bưởi). AHA được dùng chủ yếu để điều trị mụn và thường có trong các sản phẩm chăm sóc da như toner, kem dưỡng,…
Hoạt chất trị mụn này dễ dàng tan trong nước nên có tác dụng trên bề mặt da. AHA giúp loại bỏ lớp sừng, tế bào chết ở biểu bì bằng cách can thiệp ion giữa các tế bào. Do đó, các lớp tế bào thô, xỉn trên bề mặt da sẽ được bong ra. Mặt khác, AHA cũng giúp da trở nên láng mịn bằng cách giúp các tế bào hấp thu nước nhanh và hiệu quả hơn.
Dựa theo nghiên cứu về đặc tính thành phần và trải nghiệm người dùng, các chuyên gia khuyến cáo AHA sử dụng tốt nhất khi tồn tại dưới dạng gel, cream, lotion,… Còn với AHA dưới dạng sữa rửa mặt, sản phẩm rửa với nước sẽ không mang tới hiệu quả cao vì AHA bị trôi trước khi chúng kịp phát huy tác dụng.
Hoạt chất trị mụn Adapalene
Adapalene (Differin) là thuốc có cơ chế tác dụng giống tretinoin. Hoạt chất có khả năng làm tiêu nhân mụn này sẽ gắn vào các thụ thể acid retinoic nhưng không gắn vào protein của thụ thể trong bào tương.
Adapalene được dùng chủ yếu trong điều trị mụn bọc, mụn mủ, mụn sẩn, mụn trứng cá ở mặt, ngực và lưng. Không thích hợp với những đối tượng quá mẫn cảm với thành phần Adapalene cũng như phụ nữ đang mang thai, dự định có thai.
Ở người lớn, bạn dùng kem bôi Adapalene 0.1%, gel 0.1% hoặc 0.3% bôi lên vùng da được chỉ định điều trị ngày 1 lần trước khi đi ngủ. Bôi 1 lớp mỏng sau khi đã làm sạch da, chú ý tránh vùng miệng, góc mũi, vùng da quanh mắt. Trường hợp muốn sử dụng Adapalene cho trẻ dưới 18 tuổi, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lưu ý khi sử dụng các loại hoạt chất trị mụn
Các hoạt chất trị mụn sẽ cho hiệu quả tốt nhất nếu bạn nắm được những lưu ý sau đây:
- Bắt đầu với hoạt chất trị mụn nồng độ thấp, bởi làn da có mụn thường rất nhạy cảm nên khi sử dụng thành phần trị mụn nào cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt là các hoạt chất có hoạt tính mạnh như retinol, tretinoin, AHA, BHA,…
- Các hoạt chất điều trị mụn có độ pH khác nhau, chúng có thể mang tính axit hoặc tính kiềm. Nếu không biết cách sử dụng sẽ làm tăng nguy cơ gây kích ứng da. Do đó, các bạn nên dùng sản phẩm có độ pH thấp trước rồi mới dùng sản phẩm có độ pH cao hơn để tránh hiện tượng bị ngứa, khô và bong tróc da.
- Nên dùng xen kẽ các sản phẩm điều trị, chăm sóc da mụn thay vì sử dụng chung trong một quy trình skincare.
- Giãn thời gian, tần suất sử dụng để da có thời gian dung nạp và tiếp nhận các hoạt chất một cách tối đa và hiệu quả.
- Làm sạch da, dưỡng ẩm da hàng ngày sẽ giúp đẩy nhanh quá trình trị mụn cũng như giúp da nhanh chóng phục hồi, hạn chế nguy cơ tái phát mụn.
- Các hoạt chất trị mụn dễ làm da trở nên nhạy cảm trước ánh nắng mặt trời. Vì thế, da cần được bảo vệ bằng cách sản phẩm chống nắng phổ rộng cùng chỉ số SPF trên 30. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần che chắn da cẩn thận nhằm hạn chế nguy cơ xuất hiện nám, tàn nhang,…
- Ngoài những hoạt chất điều trị mụn hiệu quả, bạn cũng cần tránh các thành phần có nguy cơ làm bùng phát mụn như Sodium Lauryl Sulfate, Dầu khoáng, Lanolin, Paraben, Axit Stearic, PABA, Sulfat, hương liệu, chất tạo màu, bơ hạt mỡ, Oxybenzone,…
Trên đây là danh sách những hoạt chất trị mụn phổ biến và cho hiệu quả tốt nhất. Hy vọng với những gì được chia sẻ, các nàng sẽ hiểu hơn về các hoạt chất trị mụn cũng như cách sử dụng chúng trên da như nào cho hiệu quả, tránh bị kích ứng.