Lăn kim được sử dụng khá phổ biến trong việc điều trị sẹo rỗ, nhất là sẹo rỗ lâu năm. Đây là phương pháp giúp tái tạo làn da một cách tự nhiên, góp phần điều trị các vết sẹo rỗ, thu nhỏ lỗ chân lông và mang tới làn da tươi sáng, mịn màng hơn. Tuy nhiên, trị sẹo rỗ bằng cách lăn kim có thực sự an toàn và hiệu quả? Theo dõi tiếp bài viết dưới đây của Sheis để biết thêm chi tiết về phương pháp trị sẹo này.
Lăn kim trị sẹo rỗ là gì?
Sẹo rỗ là một dạng tổn thương da vĩnh viễn, hình thành sau quá trình điều trị mụn trứng cá, thủy đậu hoặc bị dị ứng. Mặc dù không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng sẹo rỗ lại là nguyên nhân khiến khuôn mặt trở nên kém thẩm mỹ. So với nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ khác, tạo tổn thương giả bằng cách lăn kim nổi lên với nhiều ưu điểm nổi bật.
Theo đó, lăn kim trị sẹo rỗ là phương pháp sử dụng dụng cụ với hàng trăm đầu kim nano siêu nhỏ. Các đầu kim này sẽ tác động lên bề mặt sẹo rỗ, xuyên qua lớp biểu bì, đi sâu vào bên trong da tùy mức độ nông – sâu để tiến hành cải thiện làn da.
Cơ chế hoạt động của phương pháp
Trên thực tế, cơ chế hoạt động của phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ cũng tương tự như lăn kim trị nám và trị mụn. Lăn kim sẽ tạo nên những tổn thương giả để thúc đẩy tăng sinh elastin, collagen trong cơ thể và làm đầy vết sẹo rỗ.
Trong quá trình lăn kim, kỹ thuật viên – bác sĩ sẽ thoa tinh chất đặc trị sẹo lên bề mặt da để giúp các vết sẹo nhanh chóng được lấp đầy. Tuy nhiên hiệu quả mà phương pháp này mang lại sẽ phụ thuộc vào tình trạng sẹo và cơ địa của mỗi người.
Chỉ định, chống chỉ định
Ngoài việc cải thiện tình trạng sẹo rỗ, lăn kim còn giúp da trở nên mịn màng, trắng hồng, giảm sắc tố, thu nhỏ lỗ chân lông. Tuy nhiên, phương pháp này thường được chỉ định cho một vài trường hợp nhất định, không áp dụng cho tất cả mọi đối tượng bị sẹo rỗ.
Chỉ định
Lăn kim điều trị sẹo rỗ sẽ được chỉ định trong trường hợp sau:
- Cần thu nhỏ lỗ chân lông, làm giảm đường nhăn, nếp nhăn.
- Cải thiện cấu trúc da lỏng lẻo, nhăn nheo, sần sùi.
- Da không đều màu.
- Rụng tóc.
- Rạn da.
- Trường hợp đổ nhiều mồ hôi.
Chống chỉ định
Trị sẹo rỗ bằng phương pháp lăn kim không được khuyến khích thực hiện trong những trường hợp sau:
- Đối tượng bị mụn viêm nặng, đang nhiễm trùng da tại vùng điều trị.
- Người bị mắc chứng rối loạn máu, đang dùng thuốc chống đông máu.
- Bệnh nhân mắc bệnh ung thư, đang xạ trị, hóa trị.
- Sẹo lồi.
- Người bị suy giảm miễn dịch, suy gan, suy thận nặng, đái tháo đường.
- Trường hợp thường xuyên bị phát ban da, chàm da, vảy nến, mắc bệnh tự miễn đang tiến triển, vết loét lạnh,…
- Có nốt ruồi, mụn thịt, tàn nhang, các khối u có kích thước – hình dạng thay đổi hoặc chảy máu.
Có nên lăn kim trị sẹo rỗ không?
Có nên lăn kim điều trị sẹo rỗ không là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Nếu bạn không nằm trong trường hợp chống chỉ định như đã nêu trên thì hoàn toàn có thể thực hiện phương pháp này.
Lăn kim trị sẹo rỗ được đánh giá là phương pháp làm đẹp an toàn dựa trên cơ chế làm lành tổn thương của da. Đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, elastin và loại bỏ tế bào cũ, thay thế tế bào mới. Làn da sẽ trở nên mịn màng, trắng sáng, tươi trẻ hơn sau khi lăn kim. Tuy nhiên trước khi quyết định lựa chọn hình thức điều trị, các bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tránh rủi ro không mong muốn.
Ưu – nhược điểm khi lăn kim trị sẹo rỗ
Lăn kim trị sẹo rỗ cũng tương tự như nhiều phương pháp làm đẹp da khác, chúng cũng tồn tại những ưu và nhược điểm như sau:
Ưu điểm
Xét về mặt ưu điểm, trị sẹo rỗ bằng cách lăn kim có thể mang tới những lợi ích sau:
- Có thể điều trị sẹo rỗ lâu năm một cách an toàn, không tốn nhiều thời gian nghỉ dưỡng.
- Trị sẹo rỗ bằng cách lăn kim dựa trên cơ chế tự làm lành của các tế bào da. Vì thế, so với các cách dùng thuốc, hóa chất, lăn kim hầu như ít gây kích ứng da.
- Giúp da hồi phục nhanh nhờ khả năng thẩm thấu các dưỡng chất, serum điều trị sẹo nhanh chóng. Từ đó nuôi dưỡng da khỏe mạnh từ sâu bên trong cũng như hỗ trợ điều trị tàn nhang, loại bỏ vết thâm, đốm nâu, nám da cà giúp se khít lỗ chân lông hiệu quả.
- Ít tác dụng phụ.
- Chi phí thấp.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, lăn kim cũng còn tồn tại những nhược điểm như sau:
- Da bị đỏ, bầm tím, viêm sau khi thực hiện.
- Không phải ai cũng phù hợp để lăn kim nên cần thăm khám và chỉ thực hiện khi có sự chỉ định từ bác sĩ.
- Da bị nhiễm khuẩn dẫn tới tình trạng sưng đỏ, ngứa, nổi mụn nước, mụn mủ,…
- Dễ mắc bệnh về da, bệnh truyền nhiễm khác nếu không được thực hiện ở những cơ sở uy tín, nơi có bác sĩ có chuyên môn cao.
- Lăn kim điều trị sẹo rỗ cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn, kinh nghiệm để tác động lực vừa phải, phù hợp với tình trạng da. Bởi nếu dùng lực quá nhẹ sẽ không đủ khả năng cải thiện tình trạng sẹo, khiến quá trình trị sẹo diễn ra chậm. Nếu dùng lực quá mạnh, lăn kim có thể gây ra biến chứng, khiến da bị tổn thương nghiêm trọng.
- Trong trường hợp lăn kim không đúng kỹ thuật, khách hàng có thể bị viêm nhiễm nặng, nổi nhiều mụn mủ, hoại tử da. Thậm chí trên thực tế đã ghi nhận những trường hợp làn da trở nên sạm nám, tăng sắc tố, gây sẹo vĩnh viễn.
- Không thể loại bỏ sẹo xơ cứng khi lăn kim.
Quy trình lăn kim trị sẹo rỗ
Thông thường, quy trình lăn kim trị sẹo rỗ sẽ diễn ra trong vòng 60 phút, bao gồm các bước sau đây:
- Bước 1: Bác sĩ thăm khám, đánh giá tình trạng da, xác định loại sẹo, soi da để tiến hành chẩn đoán.
- Bước 2: Tư vấn quy trình thủ thuật cho bệnh nhân.
- Bước 3: Tẩy trang làm sạch lớp trang điểm, cặn mỹ phẩm tại vị trí cần điều trị và vùng da xung quanh.
- Bước 4: Tiến hành ủ tê trong 30 phút trước khi thực hiện lăn kim.
- Bước 5: Chuẩn bị dụng cụ, gồm cây lăn kim, các dưỡng chất cần thiết.
- Bước 6: Lau tê, sát khuẩn vị trí cần điều trị bằng cồn 70 độ hoặc povidine.
- Bước 7: Bắt đầu lăn kim.
- Bước 8: Bác sĩ tư vấn cách chăm sóc da, kê một số đơn thuốc nếu cần thiết và hẹn lịch tái khám cho lần sau.
Phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ giá bao nhiêu?
Chi phí lăn kim trị sẹo rỗ sẽ được định giá tùy vào cơ sở y tế – nơi người bệnh/khách hàng lựa chọn thực hiện. Bên cạnh đó, mức giá cũng chịu ảnh hưởng bởi loại kim lăn, tình trạng của người bệnh, bác sĩ thực hiện.
Trung bình, giá lăn kim trị sẹo rỗ sẽ dao động trong khoảng từ 3.000.000 – 7.000.000 đồng/lần. Tại bệnh viện, phòng khám da liễu chuyên khoa, phương pháp lăn kim tế bào gốc trị sẹo rỗ có giá khoảng 3.000.000 – 4.000.000 đồng/lần. Tại các spa nhỏ lẻ, mức giá điều trị sẽ thấp hơn, khoảng 1.000.000 – 2.000.000 đồng/lần.
Lưu ý cần biết trước và sau khi trị sẹo rỗ bằng cách lăn kim
Phương pháp lăn kim sẽ cho hiệu quả điều trị sẹo tốt nếu bạn nắm được những lưu ý sau đây:
Trước khi lăn kim
Trước khi lăn kim trị sẹo rỗ, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ hoặc bệnh viện da liễu uy tín để thăm khám, thực hiện điều trị sẹo an toàn, hiệu quả.
- Thuốc tê được thoa lên da trước khi lăn kim để làm giảm đau trong quá trình thực hiện. Nếu bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm với thuốc gây tê thì cần thông báo ngay với bác sĩ.
- Lăn kim có thể gây chảy máu nên không phải đối tượng nào cũng có thể thực hiện, nhất là người mắc chứng rối loạn đông máu, đang dùng thuốc làm loãng máu. Người bị bệnh về da, bệnh mãn tính, có hệ thống miễn dịch yếu cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
Sau khi lăn kim
Để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ sau khi thực hiện lăn kim điều trị sẹo rỗ, các bạn cần:
- Lăn kim có thể khiến da xuất hiện tình trạng bầm tím, mẩn đỏ, viêm nhưng sẽ thuyên giảm sau vài ngày.
- Cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, che chắn da cẩn thận khi ra nắng. Tuy nhiên chỉ nên thoa kem chống nắng sau 3 ngày điều trị, khi các tổn thương trên da đã lành.
- Nếu da bị bầm tím có thể ăn dứa, uống nước ép dứa để cải thiện tình trạng.
- Tránh dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết, mỹ phẩm có chứa cồn, retinol, BHA, AHA vì chúng có thể khiến da bị kích ứng.
- Tránh những hoạt động gây đổ mồ hôi nhiều nhằm hạn chế nguy cơ gây viêm nhiễm trong ít nhất 3 – 4 ngày đầu điều trị.
- Hạn chế tối đa việc trang điểm, nhất là trong tuần đầu tiên sau điều trị.
- Uống đủ 1. 5 – 2 lít nước mỗi ngày và tích cực ăn nhiều trái cây, rau củ quả tươi.
- Thông báo cho bác sĩ khi xuất hiện các tác dụng phụ hoặc da có những biểu hiện bất thường.
- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm cấp ẩm, có khả năng tăng sản xuất collagen để hỗ trợ phục hồi da.
- Không dùng tay cào gãi, sờ lên vùng da vừa điều trị để tránh hiện tượng viêm nhiễm.
- Tái khám theo chỉ định.
Một số câu hỏi liên quan
Ngoài các thông tin đã chia sẻ, nhiều người vẫn còn đặt ra một số thắc mắc xoay quanh phương pháp điều trị sẹo rỗ này như sau:
Lăn kim trị sẹo rỗ có tốt không?
Trị sẹo rỗ bằng cách lăn kim là phương pháp điều trị cho hiệu quả tốt. Biện pháp này có thể giải quyết cả những vết sẹo cũ và lâu năm bằng cách dùng những đầu kim nhỏ đâm vào da nhằm phá vỡ mô sẹo mụn. Kết hợp với cơ chế cắt đứt các sẹo xơ, dây sẹo co kéo dưới da, kích thích tăng sinh collagen và làm đầy các nếp nhăn, vết chân chim.
Theo nghiên cứu từ AAD Hoa Kỳ, lăn kim sẽ cho hiệu quả cải thiện sẹo rỗ tốt hơn nếu kết hợp với các sản phẩm có chứa vitamin C, huyết tương giàu tiểu cầu. Được biết, lăn kim vi điểm tương đối an toàn với làn da sẫm màu, da mỏng và cả da nhạy cảm vì chúng không làm mỏng hay loại bỏ lớp da bên ngoài.
Tuy nhiên các bạn cần điều trị lăn kim theo liệu trình khoa học, được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Mỗi đợt điều trị nên cách nhau khoảng 1 tháng để da có thời gian phục hồi.
Có nên phi kim trị sẹo rỗ tại nhà không?
Phương pháp này được các bác sĩ da liễu khuyến cáo không nên tự thực hiện tại nhà. Bởi lăn kim đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý kịp thời tình huống như sưng tấy, chảy máu.
Trên thực tế, có không ít trường hợp tự ý áp dụng trị sẹo rỗ bằng cách lăn kim tại nhà dẫn tới tình trạng sưng tấy, viêm mủ, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu,… Vậy nên các bạn chỉ nên lăn kim điều trị sẹo rỗ ở những cơ sở thẩm mỹ, spa uy tín, chất lượng.
Lăn kim điều trị sẹo rỗ có an toàn không?
Nếu được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn tốt, quy trình lăn kim chỉ xâm lấn tối thiểu lên da. Kết hợp với đó là các dưỡng chất phù hợp, có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành thì sẽ hạn chế được tác dụng phụ không mong muốn. Ngược lại, nếu lăn kim tại những cơ sở không uy tín, kỹ thuật viên chuyên môn kém có thể gây sạm da, hình thành sẹo vĩnh viễn hoặc nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu,…
Lăn kim điều trị sẹo rỗ có hết dứt điểm không?
Lăn kim trị sẹo rỗ có thể hỗ trợ cải thiện và lấp đầy sẹo rỗ. Khả năng điều trị dứt điểm sẹo rất khó nếu chỉ thực hiện mình phương pháp lăn kim. Tùy theo tình trạng sẹo rỗ, bệnh nhân sẽ thấy những thay đổi sau mỗi tháng điều trị.
Trường hợp bị sẹo rỗ nhẹ, người bệnh cần thực hiện lăn kim trong 3 – 6 lần và tái khám khoảng 2 tuần sau thực hiện liệu trình. Tuy nhiên, với những trường hợp bị sẹo rỗ nặng, quá trình này có thể kéo dài và khả năng cải thiện sẹo chỉ đạt khoảng 60 – 80%.
Lăn kim điều trị sẹo rỗ bao lâu thì lành?
Không có thời gian cụ thể để xác định lăn kim trị sẹo rỗ bao lâu thì lành. Bởi quá trình lành thương sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người cũng như tình trạng da, chất lượng kim lăn, kỹ thuật bác sĩ và dưỡng chất kết hợp. Ngoài ra, yếu tố về độ tuổi, cách chăm sóc da, chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng có ảnh hưởng tới thời gian hồi phục da.
Tuy nhiên phần lớn các trường hợp, da sẽ bắt đầu hồi phục sau khoảng 1 – 2 tuần thực hiện lăn kim điều trị sẹo rỗ.
Phi kim trị sẹo rỗ nên kiêng gì?
Chế độ ăn uống – sinh hoạt hàng ngày ít nhiều đều có ảnh hưởng tới kết quả trị sẹo, hồi phục da. Vậy nên nếu đang điều trị sẹo rỗ bằng biện pháp lăn kim, mọi người cần kiêng những loại thực phẩm sau:
- Đồ ăn chế biến sẵn.
- Thực phẩm chứa nhiều caffein như trà, socola, cà phê, nước ngọt,…
- Rượu, bia, chất kích thích khác.
- Đồ ăn cay nóng.
- Tránh vận động mạnh hoặc các hoạt động khác gây đổ nhiều mồ hôi.
- Hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10h – 16h hàng ngày vì đây là lúc tia UV hoạt động mạnh nhất, dễ làm tăng sắc tố da, gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị.
Thực hiện lăn kim trị sẹo rỗ ở đâu tốt nhất?
Khi có ý định thực hiện điều trị sẹo rỗ bằng cách phi kim, các bạn có thể tham khảo các cơ sở thẩm mỹ, bệnh viện uy tín sau đây:
- Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh nằm tại số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, TPHCM.
- Phòng khám Da liễu Sài Gòn tại cơ sở quận 10 (số 35A1 đường 3/2, phường 11) và cơ sở quận 5 (số 471 đường Nguyễn Chí Thanh, phường 15).
- Bệnh viện Thẩm Mỹ Thu Cúc tại 218 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM.
- Bệnh viện Da liễu Trung ương Hà Nội tại số 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Da liễu Hà Nội tại 79B Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội hoặc xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội hoặc số 20 Bế Văn Đàn, Hà Đông, Hà Nội.
- Bệnh viện Da Liễu Đà Nẵng tại số 91 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, Thanh Khê Tây, Đà Nẵng.
Tóm lại, lăn kim trị sẹo rỗ là phương pháp thẩm mỹ, làm đẹp da an toàn, cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tích cực, hạn chế tối đa rủi ro, các bạn cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thực hiện cũng như tuân thủ theo đúng liệu trình, hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa.