Hàm Duy Trì Sau Niềng Răng Là Gì? Cách Sử Dụng Và Lưu Ý

Tham vấn chuyên môn: Bác Sĩ Đạt Hoàng – Bs. răng hàm mặt – CKII

Hàm duy trì sau niềng răng là khí cụ được bác sĩ yêu cầu bệnh nhân đeo sau khi tháo mắc cài/khay niềng. Với vai trò ổn định vị trí răng khi chúng đã dịch chuyển theo ý muốn, hàm duy trì giúp hạn chế tối đa sự xô lệch trở lại của răng, đảm bảo hiệu quả niềng bền vững. Để hiểu rõ hơn về loại khí cụ đặc biệt này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Khái niệm hàm duy trì sau niềng răng

Hàm duy trì sau niềng răng thường được gọi ngắn gọn là hàm duy trì, tiếng Anh là Retainers. Đây là khí cụ quan trọng, bắt buộc phải sử dụng khi quá trình chỉnh nha đã hoàn tất. Khi đó, bệnh nhân được tháo bỏ mắc cài/khay niềng khỏi khoang miệng và đeo thay thế hàm duy trì, bước vào giai đoạn sau chỉnh nha.

Hàm duy trì là khí cụ vô cùng quen thuộc trong chỉnh nha
Hàm duy trì là khí cụ vô cùng quen thuộc trong chỉnh nha

Sau khi niềng răng, hầu hết ai cũng phải đeo hàm duy trì từ vài tháng tới 1 năm tùy theo tình trạng mỗi người. Lý do là bởi vì răng luôn có xu hướng dịch chuyển trên cung hàm và điều này có thể diễn ra suốt đời. Chính vì vậy, cần sử dụng một khí cụ nhằm giữ răng tại vị trí mong muốn, tránh xô lệch, đảm bảo kết quả sau chỉnh nha.

Mặt khác, hàm duy trì cũng có tác dụng giữ răng, xương và nướu ở nguyên tại vị trí mong muốn. Từ đó giúp những bộ phận này thích nghi với những thay đổi mới, các răng cũng nhờ đó mà ổn định lâu dài hơn.

>> Xem thêm: Niềng Răng Là Gì? Quy Trình, Mức Giá Và Câu Hỏi Liên Quan.

Có mấy loại hàm duy trì?

Về cơ bản, hàm duy trì sau niềng răng được phân loại theo chất liệu và khả năng tháo lắp với 3 loại cơ bản. Tùy thuộc vào tình trạng răng sau chỉnh nha của mỗi người mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp:

Hàm duy trì tháo lắp kim loại

Hàm duy trì tháo lắp kim loại được làm từ dây kim loại và gắn vào khuôn acrylic. Khi đeo, khuôn này sẽ nằm trên lưỡi hoặc vòm miệng của bệnh nhân.

Hàm duy trì tháo lắp kim loại được gắn vào khuôn acrylic
Hàm duy trì tháo lắp kim loại được gắn vào khuôn acrylic

Ưu điểm:

  • Tính ổn định cao nhờ kết cấu chắc chắn, ít bị xô lệch cho hiệu quả bảo vệ răng tối đa.
  • Độ bền cao, không đòi hỏi phải thay mới trừ trường hợp làm mất.
  • Dễ tháo lắp, dễ sử dụng, có thể tự đeo tại nhà và tháo ra khi ăn uống, vệ sinh.
  • Không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Hạn chế:

  • Gây chút vướng víu, khó chịu trong thời gian đầu sử dụng.
  • Đôi khi có thể gây kích ứng cho những đối tượng có cơ địa nhạy cảm, người bị dị ứng kim loại.

Hàm duy trì dạng trong suốt

Hàm duy trì sau niềng răng dạng trong suốt được làm bằng nhựa, có thiết kế giống như khay niềng trong suốt và sản xuất chuyên biệt cho từng người. Loại hàm duy trì này sở hữu khá nhiều ưu điểm, song bên cạnh đó vẫn còn một vài hạn chế nhất định.

Hàm duy trì dạng trong suốt có cấu tạo như khay niềng Invisalign
Hàm duy trì dạng trong suốt có cấu tạo như khay niềng Invisalign

Ưu điểm:

  • Ôm khít răng, mang đến cảm giác thoải mái nhẹ nhàng khi sử dụng.
  • Hiệu quả thẩm mỹ cao, gần giống màu răng nên không ảnh hưởng đến giao tiếp.
  • Thuận tiện cho việc ăn uống, vệ sinh răng miệng, vệ sinh hàm vì có thể tháo ra đơn giản.

Hạn chế: Do hàm dễ tháo lắp lại có màu trong suốt nên dễ khiến nhiều người quên đeo, đeo không đủ thời gian, thậm chí làm mất hàm…

Hàm duy trì cố định kim loại

Không giống như 2 loại hàm duy trì sau niềng răng phía trên, hàm duy trì cố định kim loại được bác sĩ gắn trực tiếp lên răng cửa bệnh nhân (răng số 1, 2, 3). Vì đã được gắn cố định nên người bệnh không thể tự tháo lắp nếu không có sự hỗ trợ của nha sĩ.

Hàm duy trì cố định kim loại sở hữu cấu tạo đơn giản với một sợi dây kim loại dạng xoắn hoặc thẳng. Song khí cụ này vẫn làm tốt vai trò ổn định, ngăn chặn răng di chuyển không theo ý muốn, đảm bảo hiệu quả sau chỉnh nha được tốt nhất.

Hàm duy trì cố định kim loại có cấu tạo đơn giản
Hàm duy trì cố định kim loại có cấu tạo đơn giản

Ưu điểm:

  • Hiệu quả ổn định răng cao.
  • Phù hợp với những bệnh nhân phải nhổ răng trước khi niềng.
  • Hàm được gắn vào mặt trong răng nên đảm bảo tính thẩm mỹ.

Hạn chế: 

  • Composite dùng để gắn hàm lên răng dễ bung tuột, đòi hỏi phải đến nha khoa để bác sĩ gắn lại.
  • Đòi hỏi vệ sinh răng miệng kỹ vì thức ăn rất dễ bị mắc lại, việc không chú ý sẽ gây sâu răng, hôi miệng, viêm nướu…

Hàm duy trì có đắt không, giá bao nhiêu?

Chi phí mua hàm duy trì sau niềng răng thường không cố định. Tùy vào gói niềng răng cũng như chính sách của mỗi cơ sở nha khoa mà số tiền bệnh nhân cần chi trả cũng khác nhau.

Dưới đây là mức giá hàm duy trì từng loại bạn đọc có thể tham khảo:

  • Hàm duy trì trong suốt sản xuất trong nước: Dao động trong khoảng 1,5-2 triệu đồng/cặp.
  • Hàm duy trì trong suốt Invisalign: Khoảng 10 triệu đồng/3 cặp.
  • Hàm duy trì tháo lắp kim loại: Giá khoảng từ 1-1,5 triệu đồng/cặp.
  • Hàm duy trì cố định: Mức giá từ 700-900 nghìn đồng/cặp.

Hướng dẫn sử dụng hàm duy trì

Việc đeo hàm đúng hướng dẫn của nha sĩ cực kỳ quan trọng, đảm bảo răng được cố định ở vị trí mới, duy trì kết quả niềng răng. Đối với mỗi loại khí cụ, cách đeo hàm duy trì sẽ khác nhau:

  • Hàm cố định: Do không thể tháo rời và chỉ có bác sĩ mới can thiệp được nên cần đeo cả ngày cho đến khi hết thời gian đeo hàm duy trì.
  • Hàm tháo lắp: Khi tháo ra và lắp hàm vào đều cần nhẹ nhàng, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tác động mạnh làm ảnh hưởng đến form, khuôn khí cụ.

Mọi loại hàm duy trì sau niềng răng hiện nay đều được thiết kế rất phù hợp, vừa vặn với khuôn miệng mỗi người. Do vậy, độ vững chắc của hàm tương đối tối, không dễ bị bong tuột ra ngoài… mỗi người nên chú ý việc vệ sinh hàm, chăm sóc răng miệng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nên sử dụng hàm duy trì đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả cao nhất
Nên sử dụng hàm duy trì đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả cao nhất

Lưu ý khi sử dụng, vệ sinh hàm duy trì sau niềng răng

Trong thời gian sử dụng hàm duy trì theo chỉ dẫn của bác sĩ, mỗi người cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Đảm bảo thời gian đeo hàm: Sự tuân thủ thời gian đeo khí cụ duy trì giúp đảm bảo hiệu quả của toàn bộ quá trình niềng răng. Vì vậy hãy thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường sẽ là đeo cả ngày (trừ khi ăn uống, vệ sinh răng nếu là hàm tháo lắp). 
  • Dùng hàm duy trì đúng cách: Nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tháo lắp hàm, luôn bảo quản và vệ sinh hàm duy trì đúng cách tránh gây hỏng/mất.
  • Vệ sinh răng miệng: Luôn chủ động vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng đều đặn sau khi ăn. Nên kết hợp sử dụng tăm nước, chỉ nha khoa để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Tái khám đúng hẹn: Việc tái khám theo lịch hẹn giúp bác sĩ theo dõi tình trạng răng, kịp thời có can thiệp nếu phát sinh vấn đề không mong muốn. Vì vậy hãy tuân thủ lịch tái khám để đảm bảo hiệu quả chỉnh nha tốt nhất.

Một số câu hỏi thường gặp

Hàm duy trì sau niềng răng không còn là khí cụ mới trong lĩnh vực chỉnh nha. Tuy nhiên với nhiều người, nhất là những người mới tìm hiểu về hàm duy trì và quá trình niềng răng thì khái niệm này còn khá mới mẻ. Vì vậy, không ít câu câu hỏi đã được đặt ra:

Đeo hàm duy trì bao lâu được tháo?

Thời gian đeo hàm duy trì bao lâu ở mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng cung hàm và xu hướng dịch chuyển của răng. Bình thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định đeo hàm duy trì ít nhất 6 tháng sau niềng răng để đảm bảo hiệu quả.

Với những đối tượng là trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi dậy thì thời gian đeo hàm duy trì sau niềng răng có thể sẽ dài hơn. Thậm chí có trường hợp cần đeo hàm duy trì bằng thời gian niềng hoặc đeo tới khi trưởng thành.

Thời gian đeo hàm duy trì khác nhau ở mỗi người
Thời gian đeo hàm duy trì khác nhau ở mỗi người

Nướu bị ngứa khi đeo hàm duy trì phải làm sao?

Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân lựa chọn hàm duy trì trong suốt. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc chưa quen, hàm không vừa, đường cắt hàm không phù hợp đường nướu… Nếu không may bị ngứa lợi khi đeo hàm duy trì, bệnh nhân nên đến nha khoa để được chỉnh lại đường cắt, trong một số trường hợp sẽ cần làm mới hàm duy trì cho phù hợp hơn.

Quên đeo hàm duy trì 1-2 ngày có sao không?

Nếu vô tình quên đeo hàm duy trì trong 1-2 ngày gần như không ảnh hưởng gì đến răng. Tuy nhiên mỗi người cũng cần đặc biệt chú ý, tránh để tình trạng này liên tục diễn ra vì nó có thể gây gián đoạn/làm chậm quá trình ổn định răng.

Hàm duy trì sau niềng răng là khí cụ đặc biệt quan trọng, việc tuân thủ sử dụng loại hàm này sẽ quyết định rất lớn đến hiệu quả chỉnh nha sau này. Do vậy, hãy cố gắng kiên trì đeo hàm theo chỉ dẫn của bác sĩ, chủ động vệ sinh sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe răng miệng, sớm sở hữu nụ cười tự tin nhất!

Tham vấn: Bác Sĩ Đạt Hoàng – Bs. răng hàm mặt – CKII

GỢI Ý DỊCH VỤ

Theo dõi tác giả